Bảo tồn Mona_Lisa

Bức tranh Mona Lisa đã tồn tại trong hơn 500 năm, và một hội đồng quốc tế nhóm họp năm 1952 đã lưu ý rằng "bức tranh đang ở một tình trạng bảo tồn tốt."[30] Điều này một phần nhờ kết quả của nhiều biện pháp bảo tồn đã được áp dụng với bức tranh. Một cuộc phân tích chi tiết năm 1933 bởi Madame de Gironde cho thấy những nhà bảo tồn ở giai đoạn đầu đã "hành động với sự cẩn trọng lớn."[30] Tuy thế, việc sử dụng véc ni được làm cho bức tranh đã làm nó tối đi thậm chí ngay từ cuối thế kỷ 16, và một cuộc vệ sinh và tái phủ véc ni quá tay năm 1809 đã làm mất một số thành phần trên cùng của lớp sơn, khiến một số phần sơn trên mặt nhân vật bị tẩy mất. Dù có những cuộc xử lý như vậy, Mona Lisa đã được bảo tồn tốt trong suốt lịch sử, và mặc dù sự cong vênh của tấm panel khiến những người quản lý có "một số lo lắng",[31] đội bảo tồn năm 2004-05 vẫn lạc quan về tương lai của tác phẩm.[30]

Tấm gỗ dương

Ở một số thời điểm trong lịch sử của mình, bức hoạ Mona Lisa đã bị tháo khỏi khung nguyên thuỷ. Tấm gỗ dương tự nhiên được để cho cong tự nhiên theo thay đổi về độ ẩm, và vì thế, một vết nứt đã bắt đầu phát triển ở gần đỉnh tấm. Vết nứt đã mở rộng xuống đường tóc của nhân vật. Ở giữa thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một số người đã tìm cách làm ổn định vết nứt bằng cách lắp hai thanh gỗ óc chó hình bướm vào phía sau tấm ở độ sâu khoảng 1/3 tấm. Công việc này đã được thực hiện một cách có tay nghề, và đã thành công trong việc ổn định vết nứt. Trong một khoảng thời gian từ năm 1888 tới năm 1905, hay có lẽ ở một thời điểm nào đó khi bức tranh bị lấy cắp, thanh gỗ phía trên đã rơi ra. Một nhà bảo tồn sau đó đã dán và bồi đoạn rỗng và vết nứt bằng vải. Khung gỗ sồi co giãn (được thêm vào năm 1951) và các thanh chéo (1970) giúp tấm gỗ không bị cong thêm nữa. Một thanh hình cánh bướm giúp tấm gỗ không nứt thêm nữa.

Bức tranh hiện được giữ ở những điều kiện không khí được kiểm soát chặt chẽ trong hộp kính chống đạn. Độ ẩm được duy trì ở mức 50% ±10%, và nhiệt độ được duy trì trong khoảng 18 tới 21 °C. Để bù trừ cho những sự thay đổi do độ ẩm, hộp được bổ sung thêm một đệm bằng silica gel được xử lý để cung cấp 55% độ ẩm tương đối.[30]

Khung

Bởi cục gỗ dương của bức tranh Mona Lisa nở ra và co lại theo thay đổi độ ẩm, bức tranh đã bị cong một chút. Để bù cho sự cong vênh mà bức tranh phải trải qua trong thời gian lưu trữ trong Thế chiến II, và để chuẩn bị cho việc trưng bày bức tranh để kỷ niệm ngày sinh lần thứ 500 của Da Vinci, bức hoạ Mona Lisa năm 1951 được lắp một khung gỗ sồi co giãn với các tấm chéo gỗ sồi. Khung co giãn này, được dùng thêm cho khung trang trí được miêu tả phía dưới, tạo áp lực trên tấm gỗ để giữ nó không cong vênh thêm nữa. Năm 1970, các thanh chéo gỗ sồi được đổi thành gỗ thích sau khi mọi người phát hiện ra rằng gỗ sồi dễ bị côn trùng làm hư hại. Năm 2004-2005, một đội nghiên cứu và bảo tồn đã thay thế các thanh gỗ thích bằng gỗ ngô đồng, và một thanh chéo kim loại nữa được thêm vào để đo độ cong của tấm gỗ dương một cách khoa học.Bức hoạ Mona Lisa đã từng có nhiều khung trang trí trong lịch sử tồn tại của mình, tuỳ theo những thay đổi trong phong cách thẩm mĩ trong nhiều thế kỷ. Năm 1906, nữ bá tước Béarn đã lắp cho bức tranh chiếc khung hiện thời, một chiếc khung thời Phục hưng thích hợp với giai đoạn lịch sử của bức hoạ. Các cạnh của bức tranh ít nhất đã bị cắt bớt một lần trong lịch sử tồn tại của nó để được lắp vừa vào trong những chiếc khung, nhưng không phần nào của lớp sơn nguyên bản bị cắt đi.[30]

Vệ sinh và sửa

Khách tới thăm bảo tàng ngắm bức Mona Lisa qua lớp kính an ninh (trước khi bị bỏ đi năm 2005)

Cuộc vệ sinh, phun véc ni lại và sửa chữa lớn đầu tiên được ghi lại với bức hoạ Mona Lisa diễn ra năm 1809, công việc được Jean-Marie Hooghstoel tiến hành, ông chịu trách nhiệm việc khôi phục các bức tranh cho các phòng tranh của Bảo tàng Napoléon. Công việc gồm làm vệ sinh bằng cồn, sửa lại màu, và phun lại véc ni cho bức tranh. Năm 1906, nhà bảo tồn của Louvre là Eugène Denizard đã thực hiện việc sửa lại màu nước trên những khu vực lớp sơn bị hư hại bởi vết nứt của tấm gỗ dương. Denizard cũng sửa lại các cạnh của bức tranh bằng véc ni, để che đi những phần từng trước kia từng bị che khuất bởi một chiếc khung cũ. Năm 1913, khi bức tranh tái xuất hiện sau khi bị ăn trộm, Denizard một lần nữa được triệu tới để sửa chữa bức Mona Lisa. Denizard được chỉ đạo làm vệ sinh bức tranh nhưng không được dùng dung môi, và thực hiện việc sửa chữa nhỏ với nhiều vết xây xát trên màu nước. Năm 1952, lớp véc ni trên hậu cảnh bức tranh bị phẳng ra. Sau vụ tấn công thứ hai năm 1956, nhà bảo tồn Jean-Gabriel Goulinat được triệu tập để sửa chữa những hư hại ở khuỷu tay trái của Mona Lisa bằng màu nước.[30]

Năm 1977, một sự hư hại do côn trùng mới được phát hiện phía sau tấm gỗ vì việc lắp đặt những thanh chéo để giữ bức tranh không bị cong. Hư hại này đã được xử lý bằng carbon tetraclorua, và sau này bằng cách xử lý ethylene oxit. Năm 1985, chấm này một lần nữa được xử lý bằng carbon tetrachloride như một biện pháp phòng ngừa.[30]

Trưng bày

Ngày 6 tháng 4 năm 2005—sau một giai đoạn bảo dưỡng, ghi chép và phân tích—bức tranh được chuyển tới một vị trí mới trong Salle des États (Phòng các Quốc gia) tại Bảo tàng. Nó được trưng bày trong một không gian kín, có điều hoà nhiệt độ, được xây dựng đặc biệt sau một lớp kính chống đạn.[32] Khoảng 6 triệu người tới ngắm bức tranh tại bảo tàng Louvre hàng năm.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mona_Lisa http://www.theage.com.au/articles/2004/06/24/10880... http://www.latrobe.edu.au/news/articles/2008/podca... http://www.artchive.com/artchive/L/leonardo/monali... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/388735 http://books.google.com/books?id=1mCBiu2yFUgC http://books.google.com/books?id=4-8AAAAACAAJ http://books.google.com/books?id=5vMJAAAACAAJ http://books.google.com/books?id=EroFAAAAQAAJ http://books.google.com/books?id=Mf7ujOGDzZ8C http://books.google.com/books?id=dn6XKgAACAAJ